Thiết kế công nghiệp (hay industrial design, tạo dáng công nghiệp, thiết kế sản phẩm) là gì? Mới đây nhất, tại đại Hội lần thứ 29 ở Gwangju (Hàn quốc), World Design Organization đã công bố định nghĩa mới về Thiết kế công nghiệp như sau:
Thiết kế công nghiệp là một quy trình giải quyết vấn đề mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy sự đổi mới * để phát triển kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua những sản phẩm, dịch vụ, hệ thống và những trải nghiệm mới mẻ.
https://wdo.org
Một phiên bản mở rộng của định nghĩa là như sau:
Thiết kế công nghiệp là một quy trình giải quyết vấn đề mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy sự đổi mới * để phát triển kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua những sản phẩm, dịch vụ, hệ thống và những trải nghiệm mới mẻ. Thiết kế công nghiệp thu hẹp khoảng cách giữa những gì không thể và có thể. Đây là một nghề đa năng, khai thác khả năng sáng tạo để giải quyết các vấn đề và tạo ra các giải pháp với mục đích làm cho sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm hoặc công việc kinh doanh trở nên tốt hơn. Về cơ bản, thiết kế công nghiệp cung cấp một cách nhìn lạc quan hơn về tương lai bằng cách biến các vấn đề thành cơ hội. Nó liên kết đổi mới, công nghệ, nghiên cứu, kinh doanh và khách hàng để cung cấp giá trị và lợi thế cạnh tranh mới trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
https://wdo.org
Ngày nay, thiết kế công nghiệp đóng một vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển của nhân loại. Thiết kế công nghiệp lấy con người làm trung tâm, làm động lực xuyên suốt quá trình thiết kế và sáng tạo.
Nhà thiết kế công nghiệp phải có sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người dùng thông qua sự đồng cảm, sự nghiên cứu kỹ lưỡng và thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó họ cũng có những kiến thức sâu rộng về các chuyên ngành liên quan khác như mỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, bao bì, giải pháp công nghệ, vật liệu mới, nhân trắc học… Họ cũng hiểu và coi trọng tác động kinh tế, xã hội và môi trường của công việc và sự đóng góp của họ với trọng trách làm cho chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Chú giải thêm
1. Thiết kế công nghiệp (Tạo dáng công nghiệp, Thiết kế sản phẩm)
”Thiết kế sản phẩm là quá trình tưởng tượng, sáng tạo và lặp lại thiết kế để tạo ra một sản phẩm mới hoặc thiết kế lại một sản phẩm hiện có để giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc giải quyết một nhu cầu cụ thể. Chìa khóa để thiết kế sản phẩm thành công là hiểu được người dùng sản phẩm được thiết kế.”
”Là quá trình thiết kế áp dụng cho sản phẩm được sản xuất thông qua kỹ thuật sản xuất hàng loạt. Điều này phân biệt kiểu dáng công nghiệp với kiểu dáng thủ công, trong đó hình thức của sản phẩm được xác định bởi người tạo ra sản phẩm tại thời điểm tạo ra nó.”
”Là hoạt động thiết kế các sản phẩm và dịch vụ được hàng triệu người trên thế giới sử dụng mỗi ngày. Các nhà thiết kế công nghiệp thường tập trung vào hình thức, chức năng và khả năng sản xuất của một sản phẩm, mặc dù họ thường liên quan đến nhiều thứ hơn trong một chu kỳ phát triển. Tất cả những điều này cuối cùng hướng đến giá trị tổng thể lâu dài và trải nghiệm mà sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp cho người dùng.”
”Tạo dáng công nghiệp (Thiết kế công nghiệp – Industrial Design – ID) là một chuyên ngành thiết kế, sử dụng tri thức bao gồm nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm đổi mới thẩm mỹ, hình thái, chức năng, khả năng sử dụng của một sản phẩm, đồng thời nâng cấp khả năng tiếp cận thị trường theo thị yếu thẩm mĩ của người dùng hoặc ứng dụng vật liệu và công nghệ sản xuất tiên tiến mới.”
”Tạo dáng công nghiệp là ngành nghiên cứu, sáng tạo hình thức sản phẩm dựa trên chức năng, đối tượng sử dụng và công nghệ sản xuất của sản phẩm đó. Có thể nói, tạo dáng công nghiệp quyết định “diện mạo” của tất cả các sản phẩm công nghiệp xung quanh chúng ta (ví dụ bạn đang ngồi trong một chiếc ô tô, sử dụng một chiếc điện thoại, điều khiển một chiếc TV… thì hình dáng, màu sắc, chất liệu của những sản phẩm đó chính là tạo dáng công nghiệp).”
”Ngành tạo dáng công nghiệp thực chất là một sự kết hợp của rất nhiều chuyên ngành khác nhau như thiết kế mỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, bao bì, giải pháp công nghệ, vật liệu mới, nhân trắc học… Tuy nhiên, sáng tạo hình thức, kiểu dáng của sản phẩm là một chuyên ngành chính của tạo dáng công nghiệp. Nó có quyết định quan trọng bậc nhất trong việc đem lại cảm xúc tích cực cho trải nghiệm của người dùng.”
2. Sự đổi mới *
”Là những việc làm hay quá trình để tạo ra những giải pháp mới, ý tưởng mới, sản phẩm mới…”
”Sự đổi mới, theo nghĩa hiện đại là “một ý tưởng mới, tư duy sáng tạo mới, trí tưởng tượng mới dưới dạng sản phẩm hoặc giải pháp”. Đổi mới cũng thường được xem là việc áp dụng các giải pháp tốt hơn đáp ứng các yêu cầu mới, nhu cầu tiềm năng hoặc nhu cầu hiện có của thị trường.”
Leave a comment